Vai trò công chứng đảm bảo an toàn pháp lý giao dịch bất động sản
Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long, công chứng viên có vai trò là “quan toà dự phòng” hạn chế tranh chấp phát sinh trong giao dịch bất động sản.
Ngày 14/3, Trường Đại học Chu Văn An phối hợp với Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vai trò của Công chứng trong đảm bảo An toàn pháp lý giao dịch bất động sản – Nhìn từ góc độ Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (Sửa đổi)”. Buổi Hội thảo nhằm mục đích thảo luận và góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) từ góc độ nghiên cứu khoa học và thực tiễn.
Đây là Diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, Hội công chứng, công chứng viên, doanh nghiệp bất động sản, công ty luật và các cơ quan nhà nước có liên quan... trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến các chế định về giao dịch và hợp đồng liên quan đến bất động sản, vai trò của công chứng trong việc đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch nói chung và hợp đồng bất động sản nói riêng trong Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản đang được lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo và nhân dân.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng trường Đại học Chu Văn An cho biết, kinh doanh BĐS là kinh doanh có điều kiện với nhiều tiêu chí được đặt ra để bảo đảm an toàn, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của các bên giao dịch.
Điều 57 của Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi chỉ bắt buộc giao dịch BĐS hình thành trong tương lai phải qua sàn là hợp lý, nhưng sàn giao dịch BĐS chỉ là nơi cung cấp, kê khai thông tin, còn an toàn pháp lý trong giao dịch BĐS đòi hỏi chuyên môn pháp luật cao nên sàn không thể thay thế công chứng được. Thực hiện công chứng là giữ an toàn pháp lý đối với giao dịch BĐS, vừa bảo vệ quyền và lợi ích của các bên, vừa tạo sự ổn định xã hội.
Tham dự buổi hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long trình bày trong tham luận: "Rủi ro trong kinh doanh bất động sản có thể phát sinh ở mọi giai đoạn của quá trình giao dịch, từ khi hình thành, bàn giao, đưa vào sử dụng, phát triển tạo ra các giao dịch tiếp theo.
Vì vậy, phải thực hiện công chứng đối với các giao dịch này, bởi công chứng viên với vai trò là “quan toà dự phòng” hạn chế các tranh chấp phát sinh. Trên thực tế, với các giao dịch mua bán nhà đất có công chứng, tranh chấp, khiếu kiện là rất ít so với các giao dịch không qua công chứng".
Chỉ ra những bất cập cần khắc phục, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, cần có cơ chế phù hợp để các giao dịch này được rà soát bởi các chuyên gia pháp lý, đặc biệt là các giao dịch mà phía người tiêu dùng. Vì vậy, có thể cân nhắc lựa chọn tổ chức công chứng ở một số giai đoạn khi tiến hành giao dịch.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, phải luật hóa như thế nào để luật đi vào cuộc sống chứ không áp dụng một cách máy móc việc giao dịch qua sàn để sàn giao dịch làm việc của mình. Bởi đây là hai việc khác nhau khi sàn giao dịch BĐS là nơi giúp người bán và người mua nắm được thông tin về hàng hóa BĐS.
Đồng thời, chỉ kiến nghị các dự án BĐS hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn để công khai mọi thông tin trên sàn từ khi duyệt dự án, khi nào mở bán và người dân với nhau khi dự án được duyệt. Mua bán nhà đất là quyền lựa chọn của người dân, không bắt người dân phải giao dịch qua sàn.
“Không có lý do gì hai người biết nhau có nhà muốn bán cho nhau lại phải dắt nhau lên sàn giao dịch nhà đất vì quy định như vậy. Chúng ta phải tỉnh táo và sòng phẳng trong việc hợp thức hóa này", ông Đăng Hùng Võ bày tỏ.
Nguồn: Tạp trí điện tử Người Đưa Tin.