Giá vé máy bay nội địa cao nhất 4 triệu đồng
Theo Thông tư số 34/2023 có hiệu lực từ 1/3, Bộ Giao thông Vận tải quy định mức giá trần vé phổ thông trên các đường bay dưới 500 km (đường bay phát triển kinh tế - xã hội) là 1,6 triệu đồng. Với các đường bay khác, mức trần giữ nguyên so với quy định hiện hành là 1,7 triệu đồng.
Đường bay từ 500 km đến dưới 850 km giá vé trần 2,25 triệu đồng, tăng 50.000 đồng; 850 km đến dưới 1.000 km giá vé tối đa 2,89 triệu đồng, tăng 100.000 đồng; 1.000 km đến dưới 1.280 km giá trần 3,4 triệu đồng, tăng 200.000 đồng và từ 1.280 km trở lên giá vé trần 4 triệu đồng, tăng 250.000 đồng so với hiện nay.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết việc điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu và tỷ giá tăng cao.
Hỗ trợ người lao động tại khu công nghệ cao mua nhà xã hội
Có hiệu lực từ ngày 25/3, Nghị định số 10/2024 về khu công nghệ cao nêu rõ dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích cho người làm việc trong khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.
HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành chính sách, bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư phù hợp với thẩm quyền và quy định của pháp luật để thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ hoạt động của khu công nghệ cao.
Nhà đầu tư và chuyên gia, người lao động được thuê nhà ở xã hội trong thời gian hoạt động, làm việc tại khu công nghệ cao. Người lao động làm việc trong Ban Quản lý khu công nghệ cao, chuyên gia và người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn được ưu tiên xét mua nhà ở.
Theo Nghị định này, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch khu nhà ở và hệ thống công trình hạ tầng xã hội liền kề hoặc xung quanh khu công nghệ cao, đảm bảo kết nối giao thông thuận lợi, phục vụ trực tiếp cho người lao động.
Đại học không đạt chuẩn nếu tỷ lệ sinh viên bỏ học quá 10%
Có hiệu lực từ 22/3, Thông tư 01/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí. 6 tiêu chuẩn gồm: Tổ chức và quản trị, giảng viên, điều kiện dạy và học, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Về tuyển sinh, trường đạt chuẩn phải có số sinh viên nhập học mới đạt 50% so với chỉ tiêu. Tỷ lệ thôi học hàng năm không quá 10%, riêng số thôi học sau năm thứ nhất không quá 15%. Ngoài ra, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt ít nhất 70%, trong đó số tốt nghiệp đúng hạn ít nhất 50%. Tỷ lệ sinh viên trên mỗi giảng viên toàn thời gian không được vượt quá 40. Tỷ lệ sinh viên hài lòng với giảng viên phải đạt trên 70%.
Theo thông tư này, cơ sở giáo dục đại học phải có tổ chức bộ máy ổn định, hệ thống quản trị hiệu quả, minh bạch; có khuôn viên, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Cơ sở giáo dục đại học phải duy trì được cân đối tài chính, hiệu quả hoạt động và khả năng phát triển bền vững.
Tăng phí BOT Bến Lức
Theo quyết định điều chỉnh phí dịch vụ dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 830 và 824 từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa (BOT Bến Lức) của UBND tỉnh Long An, từ 1/3, ôtô qua trạm sẽ chịu mức phí 30.000-175.000 đồng mỗi lượt, tăng 5.000-10.000 đồng so với mức cũ.
Ôtô thuộc hộ kinh doanh có địa chỉ trụ sở chính nằm trong phạm vi dự án sẽ có mức vé lượt tương tự, nhưng vé tháng và vé quý được giảm so với xe thông thường. Riêng ôtô thuộc hộ không kinh doanh có hộ khẩu thường trú trong phạm vi dự án sẽ được miễn phí qua trạm.
Dự án BOT Bến Lức dài 24 km, rộng 17 m, 4 làn xe, xây mới 8 cầu. Trên tuyến có hai trạm thu phí thuộc xã An Thạnh huyện Bến Lức và xã Hựu Thạnh huyện Đức Hòa. Tổng kinh phí dự án hơn 1.000 tỷ đồng. Hiện mỗi ngày có khoảng 7.000 lượt xe qua trạm.
Theo chính quyền Long An, hiện nay tình hình kinh tế xã hội đã ổn định, việc tăng giá vé sẽ rút ngắn thời gian hoàn vốn dự án xuống còn 17 năm 7 tháng, giảm 17 tháng so với mức cũ.
Nguồn: VvExpress